Ảnh hưởng lâu dài của ô nhiễm không khí đến sức khỏe trẻ nhỏ

Theo Tổ chức Y tế Thế giới WHO, trẻ nhỏ là đối tượng chịu nhiều tổn thương về sức khỏe thể chất và tinh thần nhất do ô nhiễm không khí. Vậy những ảnh hưởng lâu dài của ô nhiễm không khí đến sức khỏe trẻ nhỏ là gì? 

1. Về ô nhiễm không khí 

Ô nhiễm không khí là tình trạng ô nhiễm môi trường trong nhà hoặc ngoài trời bởi bất kỳ tác nhân hóa học, vật lý hoặc sinh học nào làm thay đổi các đặc tính tự nhiên của khí quyển.

Các thiết bị đốt trong gia đình, xe cơ giới, cơ sở công nghiệp và cháy rừng là những nguồn gây ô nhiễm không khí phổ biến. Các chất gây ô nhiễm gây lo ngại lớn cho sức khỏe cộng đồng bao gồm các hạt vật chất, carbon monoxide, ozone, nitơ dioxide và sulfur dioxide. Ô nhiễm không khí ngoài trời và trong nhà gây ra các bệnh về đường hô hấp và các bệnh khác, đồng thời là nguyên nhân quan trọng gây bệnh tật và tử vong. 

Dữ liệu của WHO cho thấy gần như toàn bộ dân số toàn cầu (99%) hít thở không khí vượt quá giới hạn hướng dẫn của WHO và chứa hàm lượng chất ô nhiễm cao, trong đó các quốc gia có thu nhập thấp và trung bình phải chịu mức phơi nhiễm cao nhất.

Những tác động kết hợp của ô nhiễm không khí xung quanh và ô nhiễm không khí trong nhà có liên quan đến 6.7 triệu ca tử vong sớm hàng năm. Trên thực tế, khoảng 89% số ca tử vong sớm này xảy ra ở các nước có thu nhập thấp và trung bình và lớn nhất ở khu vực Đông Nam Á và Tây Thái Bình Dương của WHO.

Ô nhiễm không khí diện rộng 

WHO ước tính rằng vào năm 2019, khoảng 37% số ca tử vong sớm liên quan đến ô nhiễm không khí ngoài trời là do bệnh tim thiếu máu cục bộ và đột quỵ, 18% và 23% số ca tử vong là do bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính và nhiễm trùng đường hô hấp dưới cấp tính và 11% số ca tử vong là do ung thư đường hô hấp.

2. Ảnh hưởng lâu dài của ô nhiễm không khí đến sức khỏe trẻ nhỏ

2.1. Sức khỏe thể chất

Trẻ em là đối tượng chịu gánh nặng bệnh tật nhiều nhất do ô nhiễm không khí. Theo Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc UNICEF, trong giai đoạn phát triển, phổi và não của trẻ chưa hoàn thiện khiến chúng đặc biệt dễ bị tổn thương trước ô nhiễm không khí. Hệ thống miễn dịch của trẻ nhỏ yếu hơn người lớn, khiến chúng dễ bị nhiễm virus, vi khuẩn và các bệnh nhiễm trùng khác. Điều này làm tăng nguy cơ nhiễm trùng đường hô hấp và làm giảm khả năng miễn dịch. 

Trẻ nhỏ thở nhanh hơn người lớn và hít vào nhiều không khí hơn so với trọng lượng cơ thể, thường qua miệng, nơi hấp thụ nhiều chất ô nhiễm hơn. Chúng cũng ở gần mặt đất hơn, nơi tồn tại lượng chất ô nhiễm đạt đến nồng độ cao nhất.

Một báo cáo của WHO vào năm 2018 được công bố trong Hội nghị Y tế Toàn cầu về Ô nhiễm Không khí và Sức khỏe cho thấy rằng gần như tất cả trẻ em trên thế giới đều tiếp xúc với mức độ ô nhiễm không khí nguy hiểm. Báo cáo thống kê trên toàn cầu khoảng 93% trẻ em dưới 15 tuổi tiếp xúc với vật chất dạng hạt (PM2.5) xung quanh cao hơn mức Hướng dẫn của WHO bao gồm 630 triệu trẻ em dưới 5 tuổi và 1.8 tỷ trẻ em dưới 15 tuổi. 

Khó thở, đau họng 

Ở các quốc gia có thu nhập thấp và trung bình trên thế giới, 98% trẻ em dưới 5 tuổi tiếp xúc với mức PM2.5 cao hơn mức hướng dẫn về chất lượng không khí của WHO. Đồng thời hơn 40% dân số thế giới, trong đó bao gồm 1 tỷ trẻ em dưới 15 tuổi tiếp xúc với mức độ ô nhiễm không khí trong nhà cao do nấu ăn chủ yếu bằng công nghệ và nhiên liệu gây ô nhiễm. Điều này dẫn đến hơn 237.000 ca tử vong ở trẻ em dưới 5 tuổi vào năm 2020 (WHO).

Theo Công ước khung của Liên Hợp Quốc về Biến đổi Khí hậu (United Nations Framework Convention on Climate Change UNFCCC), ô nhiễm không khí là một trong những mối đe dọa hàng đầu đối với sức khỏe trẻ em, chiếm gần 1/10 số ca tử vong ở trẻ em dưới 5 tuổi. Trong đó khoảng 600.000 ca tử vong dưới 15 tuổi do ô nhiễm không khí vào năm 2016 và hơn 50% ca nhiễm trùng đường hô hấp dưới cấp tính ở trẻ em dưới 5 tuổi ở các quốc gia có thu nhập thấp, trung bình.

Ô nhiễm không khí ảnh hưởng đến trẻ nhỏ

Nghiên cứu về “Ảnh hưởng của ô nhiễm không khí tới sức khỏe trẻ em” được đăng tải trên Viện Y tế Quốc gia Hoa Kỳ NIH vào năm 2006 chỉ ra hội chứng đột tử ở trẻ sơ sinh, nguyên nhân hàng đầu gây tử vong sau sinh ở Canada và các nước phát triển khác có liên quan đến việc tiếp xúc với các chất gây ô nhiễm không khí.

Đặc biệt, UNFCCC cũng cho biết ô nhiễm không khí có liên quan đến 20% số ca tử vong do bệnh tim thiếu máu cục bộ trên toàn cầu nhưng lại gây ra hơn 30% ở khu vực Trung Đông và Bắc Phi. Trẻ em đặc biệt dễ bị tổn thương trước những ảnh hưởng có hại đến sức khỏe của ô nhiễm không khí do tính nhạy cảm và phơi nhiễm đặc biệt của chúng. Hiện nay, khoảng 20% số ca tử vong ở trẻ sơ sinh trên toàn cầu là do tiếp xúc với ô nhiễm không khí.

Xem thêm: Ô nhiễm không khí và bệnh đường ruột

2.2. Sức khỏe tinh thần 

Ô nhiễm không khí ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe tinh thần của trẻ nhỏ. Chương trình Môi trường Liên Hợp Quốc UNEP cho biết ô nhiễm không khí có thể cản trở sự phát triển nhận thức ở trẻ em và cũng gây ra các vấn đề về sức khỏe tâm thần.

Theo nghiên cứu về “Mối quan hệ giữa ô nhiễm không khí và chức năng nhận thức ở trẻ em và thanh thiếu niên”, ô nhiễm không khí có tác động tiêu cực đến sức khỏe con người và hệ thần kinh trung ương của trẻ nhỏ.

Nghiên cứu cho thấy việc tiếp xúc với nitơ dioxide có liên quan đến suy giảm trí nhớ, chức năng nhận thức chung và chức năng tâm thần vận động.

Vật chất dạng hạt PM2.5 có liên quan đến những khó khăn trong trí nhớ ngắn hạn, khả năng chú ý, tốc độ xử lý và chức năng vận động tinh, carbon đen có liên quan đến trí thông minh bằng lời nói, trí thông minh phi ngôn ngữ. Đồng trong không khí có liên quan đến việc suy giảm khả năng tập trung, isophorone có liên quan đến khả năng học toán thấp hơn và hydrocarbon thơm đa vòng trong thời kỳ bào thai có liên quan đến điểm thông minh kém. 

Mệt mỏi, lo lắng do ô nhiễm không khí

Theo nghiên cứu khác về “Ô nhiễm không khí NO2 và PM2.5 và các vấn đề sức khỏe tâm thần bằng cách sử dụng dữ liệu có độ phân giải cao ở trẻ em ở London từ một nghiên cứu đoàn hệ theo chiều dọc của Vương quốc Anh”, việc tiếp xúc với ô nhiễm ở độ tuổi 12 có liên quan đáng kể đến chứng trầm cảm ở độ tuổi 18. Các triệu chứng lo âu, trầm cảm, rối loạn hành vi và rối loạn tăng động giảm chú ý được đánh giá ở độ tuổi 12 và 18.

Ngoài ra, nghiên cứu cũng cho thấy trẻ em có thể đặc biệt dễ bị tổn thương thần kinh do ô nhiễm không khí vì não của chúng vẫn đang phát triển và chúng có thể có ít rào cản tự nhiên hơn trong phổi để bảo vệ chống lại các hạt hít vào. 

Hơn nữa, ô nhiễm không khí cũng gây chứng rối loạn tăng động giảm chú ý cao hơn, chứng tự kỷ, các triệu chứng lo âu, trầm cảm và các vấn đề về hành vi ở trẻ nhỏ. 

Những ảnh hưởng lâu dài của ô nhiễm không khí đối với trẻ nhỏ là một vấn đề nghiêm trọng, không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe vật lý mà còn tác động tiêu cực đến tinh thần. Việc tiếp xúc lâu dài với không khí ô nhiễm có thể gây ra các vấn đề hô hấp, ảnh hưởng đến sự phát triển não bộ và gây ra căng thẳng, lo lắng cho trẻ. Để bảo vệ sức khỏe toàn diện cho thế hệ trẻ tương lai, việc giải quyết và giảm thiểu nguy cơ ô nhiễm không khí là rất cần thiết.

Tìm hiểu và cập nhật những thông tin mới nhất về chất lượng không khí tại đây.

THAM KHẢO 

[1] “Ambient (Outdoor) Air Pollution.” Www.who.int, www.who.int/news-room/fact-sheets/detail/ambient-(outdoor)-air-quality-and-health?gclid=EAIaIQobChMI-uGZhPqcgwMVhssWBR3tQw1JEAAYASAAEgK8MfD_BwE. Accessed 20 Dec. 2023.

[2] Roberts, Susanna, et al. “Exploration of NO2 and PM2.5 Air Pollution and Mental Health Problems Using High-Resolution Data in London-Based Children from a UK Longitudinal Cohort Study.” Psychiatry Research, vol. 272, Feb. 2019, pp. 8–17, www.sciencedirect.com/science/article/pii/S016517811830800X, https://doi.org/10.1016/j.psychres.2018.12.050.

[3] “Air Pollution Note – Data You Need to Know.” Www.unep.org, www.unep.org/interactives/air-pollution-note/?gad_source=1&gclid=CjwKCAiAvoqsBhB9EiwA9XTWGeKeqYXaHKGj3LDG52iPlQ8hA8AKAt-xXEIEsf0YQKNnieJtVUE4RRoCRYsQAvD_BwE. Accessed 21 Dec. 2023.

[4] Buka, Irena, et al. “The Effects of Air Pollution on the Health of Children.” Paediatrics & Child Health, vol. 11, no. 8, 2006, pp. 513–6, www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC2528642/.

Leave a Comment

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Shopping Cart